• :
  • :
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG QUẢN LÝ, DẠY VÀ HỌC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

       Ngày nay, thầy trò không còn áp lực của kỳ thi học sinh giỏi tiểu học nhưng nhu cầu khám phá, học hỏi của các em không có điểm dừng. Người giáo viên có nhiều cơ hội hơn để phát huy năng lực của mình, sáng tạo những phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng cho học sinh, mang lại hiệu quả cao; đối với học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, cần phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện.

Tôi đã từng theo đuổi nghề dạy học, cũng từng có học trò và cũng từng trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau. Có điều hoàn cảnh không cho phép tôi đi đến cùng con đường đã chọn nhưng tôi luôn tự hào về những năm tháng đứng trên bục giảng.

Tháng 8/2002, tại cuộc họp đầu tiên của năm học mới, cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Lân phân công tôi chủ nhiệm và giảng dạy lớp 56, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán lớp 5. Tôi thật sự lo lắng bởi nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi tôi chưa từng trãi nghiệm. Dạy Toán giỏi và bồi dưỡng học sinh giỏi Toán là hai kỹ năng khác nhau. Dạy Toán giỏi – bên cạnh có kiến thức về toán thì người dạy có kỹ năng tổ chức tiết học toán hấp dẫn, hứng thú để tất cả học sinh đều thích học môn toán. Bồi dưỡng học sinh giỏi Toán – trước hết phải là người dạy Toán giỏi và giỏi toán, có tư duy logic, biện chứng, sáng tạo, tinh thần kiên nhẫn,…. Năng lực của tôi làm sao đáp ứng được yêu cầu đó. Lo lắng là phải rồi.

Mặt khác, trường Tiểu học Đồng Phú là ngôi trường có bề dày truyền thống, nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh, chất lượng giáo dục toàn diện luôn ở mức cao, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đứng đầu và vượt khoảng cách xa so với các trường tốp đầu của tỉnh. Bản thành tích của trường dài như thế không áp lực cho tôi mới là chuyện lạ.

Lớp 56 của tôi chủ nhiệm có 40 học sinh, trai nhiều hơn gái, trong đó có cả 10 em giỏi nhất của lớp 41 mà tôi chủ nhiệm năm trước chuyển sang. Sau 2 tháng nghỉ hè, các em cao lớn hẳn. Lớp trưởng Lê Thị Diệu Linh xinh đẹp, giỏi giang, quán xuyến lớp cực tốt. Phòng học được bố trí tầng hai, cạnh phòng cô hiệu trưởng. Thêm một lần áp lực nữa.

Năm học mới bắt đầu, tôi nắn nót ghi tên các em vào sổ điểm, sổ chủ nhiệm, theo dõi và nắm bắt nhanh sở trường, tính cách, hoàn cảnh từng em. Tổ chức dạy học toàn diện và tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường, ưu tiên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán lên hàng đầu theo nhiệm vụ được giao, môn Tiếng Việt đã có cô giáo Trần Thị Thuận đảm nhiệm.

Bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì việc chăm lo bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hết sức quan trọng. Thời điểm đó học sinh tiểu học được tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, mỗi em dự thi 2 môn (Toán – Tiếng Việt). Tất cả những học sinh lớp 5 xếp loại học lực giỏi kỳ I đều được dự thi, không có kỳ thi cấp thành phố. Kết quả kỳ thi vừa đánh giá chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa đánh giá việc xếp loại học lực của học sinh có thực chất hay không. Không ai muốn học sinh giỏi trường mình đi thi bị điểm kém cả. Vì thế, khi phân công giáo viên dạy lớp 5 nhà trường phải lựa chọn kỹ càng. Việc đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ I lớp 5 đòi hỏi phải khách quan, toàn diện, chính xác. Tỷ lệ học sinh giỏi rất khiêm tốn. Mỗi lớp 2-3 em.

Hồi đó, vở ghi của học sinh cực kỳ quan trọng, sách tham khảo hiếm hoi, máy tính chưa phổ biến, giáo viên chủ yếu viết tay, viết bảng, bây giờ thì đánh máy, photo, máy chiếu nhanh chóng gấp vạn lần. Tôi thì may mắn có được kỹ năng viết nhanh, viết đẹp nên cũng thuận lợi. Khi còn 01 tuần nữa là kết thúc học kỳ I, tiết ôn tập Toán, tôi chia bảng thành hai phần (chỉ nói đến sở trường thôi nhé), một học sinh đứng lên ngay “Thưa cô, hôm nay không có bài tập cho các bạn giỏi à cô?”. Tôi tỏ vẻ lạnh lùng “Không?”. Thường thì tôi chia bảng làm 3 phần, phần 1, dành cho kiến thức cơ bản, ghi nhớ, lưu ý; phần 2, bài tập vận dụng; phần 3 là bài tập nâng cao. Những em giỏi toán rất háo hức với phần 3 ấy.

Lớp học chùng xuống, im lặng. Tôi bắt đầu viết lên bảng 5 bài tập theo mức độ khó tăng dần. Với 3 câu hỏi gợi ý củng cố kiến thức, tôi yêu cầu các em hoàn thành bài tập và sẽ chấm bài cho 10 em nộp vở sớm nhất. Các em háo hức, trật tự đến không ngờ. Ai cũng muốn nhanh chóng được cô chấm vào vở và cũng thận trọng kẻo cô trừ điểm do lỗi chữ viết và trình bày. 20 phút, 25 phút trôi qua vẫn chưa có em nào nộp vở. Thì ra. các em mắc kẹt bài tập số 5: Cho tam giác ABC. Điểm M là điểm chính giữa của cạnh AC. Từ M kẻ đường song song với cạnh BC cắt cạnh AB tại N. Tính độ dài AB, biết rằng đoạn AN=25cm.

Đề nghị các em dừng bút, tôi gợi ý phương pháp suy luận. Bài toán thông thường thì các em áp dụng công thức để tính toán, đối với bài toán này đòi hỏi kiến thức tổng hợp hơn, phải áp dụng phương pháp diện tích mới tính được. Tôi vẽ hình lên bảng, kẻ thêm các đường kẻ phụ MB và NC:

 

                                        

Gợi ý suy luận từ kiến thức cơ bản: Hai tam giác có chung cạnh đáy, có chiều cao bằng nhau thì diện tích như thế nào? Tương tự, diện tích của hai tam giác có chung đường cao, hai cạnh đáy bằng nhau? Thế thì hai tam giác có chung chiều cao và diện tích bằng nhau thì cạnh đáy của chúng ra sao?

Tôi nghe “à” rõ to và một số em lên tiếng “Cô ơi, cô vẫn chấm bài chứ?”. Tôi gật đầu. Các trò tiếp tục trình bày vào vở.

Đối với môn Toán lớp 5, học sinh e ngại nhất khi giải bài tập có yếu tố hình học, đòi hỏi khả năng suy luận và diễn đạt đúng (bằng lời, bằng viết các suy luận đơn giản,…). Bản chất của các yêu tố hình học ở tiểu học là khoa học chính xác trong khi đó đặc điểm nhận thức và năng lực tư duy của học sinh còn hạn chế. Tuy nhiên cũng không nên dựa vào lí do học sinh còn nhỏ, khả năng suy nghĩ còn nhiều hạn chế mà bỏ qua các yêu cầu về tính khoa học của hệ thống kiến thức. Trong một số trường hợp tùy từng đối tượng học sinh mà giáo viên có thể nhấn mạnh tính khoa học nhằm giúp các em từng bước tiếp cận bản chất khoa học chính xác của các yếu tố hình học hoặc là nhấn mạnh yếu tố vừa sức nhằm phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực tư duy của học sinh. Khi đánh giá được năng lực tiếp thu của học sinh, thì giáo viên cố gắng dạy các yếu tố hình học tới mức chặt chẽ và chính xác cao nhất mà các em có thể tiếp thu được.

Với bài toán trên là khó với các em, cần có tư duy hệ thống, sau mấy câu hỏi gợi ý, các em đã hoàn thành bài tập. Thế là giờ giải lao của tôi không còn nữa, tôi chấm bài. Thực ra tôi đang kiểm tra năng lực để có thêm căn cứ đánh giá kết quả học kỳ I. Tôi báo cáo với cô hiệu trưởng rằng “lớp 56 có 40 em xếp loại học sinh giỏi. Đồng nghĩa với việc cả 40 em được dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh”. Và tôi tự hào bởi 40 em dự thi đều đạt giải, em Hà Thùy Trang đạt giải Nhất với số điểm tuyệt đối 20/20 môn Toán.

Ngày nay, thầy trò không còn áp lực của kỳ thi học sinh giỏi tiểu học nhưng nhu cầu khám phá, học hỏi của các em không có điểm dừng. Người giáo viên có nhiều cơ hội hơn để phát huy năng lực của mình, sáng tạo những phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng cho học sinh, mang lại hiệu quả cao; đối với học sinh muốn thành đạt thì ngoài những kiến thức sách vở, cần phải thành thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện. Còn tôi, mãi mãi là kỷ niệm khó quên./.

 

 


Tác giả: Trần Thị Sáu - Chủ tịch Hội CTĐ thành phố
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết